Sunday, April 14, 2013

Trẻ mắc quai bị có thể biến chứng viêm não

Thấy con trai 6 tuổi hơi sốt, hai mang tai sưng húp, chị Dung (Hà Nội) nghĩ con mắc bị quai bị thông thường chỉ cần nghỉ ngơi là khỏi.

Mấy ngày sau, bé kêu cứng cổ, đau đầu, buồn nôn, chị mới vội đưa đi khám thì biết cháu bị biến chứng viêm não.
Chị Dung cho biết, vì trước đây, cô con gái đầu lòng nhà chị từng mắc quai bị, đi khám bác sĩ dặn chỉ cần nghỉ ngơi, nếu sốt cao thì cho thuốc hạ sốt… nên chị cứ theo cách cũ mà chăm sóc cậu con trai.
Chị còn cẩn thận giã nát đậu xanh, đắp vào hai bên má con cho mát, chóng khỏi bệnh. Thế nhưng được 3-4 ngày, chị thấy con vẫn sốt cao, lại kêu nhức đầu, ói mửa. Lúc đấy, chị mới tá hỏa đưa con đi khám.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp con chị Dung là bị viêm tuyến nước bọt tuyến mang tai (dân gian quen gọi là bệnh quai bị) nhưng đã bị biến chứng viêm não. Vì cháu được đưa đến viện sớm nên tình trạng không nặng, chỉ nằm viện vài ngày là khỏi.
Bệnh quai bị do virus gây nên, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ từ 3 tuổi trở lên, đặc biệt là trẻ ở tuổi học đường 5-6 tuổi. Hiện vào mùa bệnh quai bị nên số trẻ mắc bệnh này đến khám nhiều hơn bình thường, mỗi ngày khoảng 5-10 trẻ”, tiến sĩ Dũng cho biết.
[IMG]
Theo bác sĩ, khi mắc bệnh, ban đầu, trẻ chỉ hơi sốt, sau đó sưng một bên mang tai, một hai hôm sau sưng cả hai bên. Thông thường, trẻ chỉ cảm thấy hơi đau, cũng có trường hợp đau nặng, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
Tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp (khoảng một trong 10.000 trường hợp mắc). Đây là bệnh lành tính, thông thường trẻ có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Điều trị chủ yếu là tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau.
Tuy nhiên, bác sĩ Dũng khuyến cáo, có khoảng 1/4 số trẻ mắc quai bị có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: viêm nãoviêm màng não, với các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, ói mửa, cứng cổ… cũng có khi bị co giật nhưng rất hiếm.
Ngoài ra, trẻ gái có thể bị biến chứng viêm buồng trứng (dấu hiệu là thấy tức bụng và đau khi sờ nắn), trẻ trai có thể bị viêm tinh hoàn (tinh hoàn sưng to, đau), dẫn đến vô sinh về sau. Tuy nhiên, biến chứng này khá hiếm và thường không hay xảy ra ở trẻ trước tuổi dậy thì.
Tiến sĩ Dũng cho biết, cha mẹ khi thấy con sưng ở mang tai, sốt nên đưa trẻ đi khám để biết chắc có phải mắc quai bị không. Với trường hợp nhẹ, phụ huynh chỉ cần cho con nghỉ học ở nhà, nghỉ ngơi, ăn uống tốt. Những trường hợp nặng hơn như viêm não, màng não thì phải tiêm đường tĩnh mạch.
Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý, với những trẻ bị suy giảm miễn dịch như đang dùng corticoid, bị thận hư, khớp… nguy cơ bị biến chứng cao hơn nên bố mẹ cần chú ý theo dõi để đưa con đến viện kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc. Theo ông, không nên bôi hoặc đắp những thứ thuốc dân gian như vôi, trầu nhai… đặc biệt là châm chọc ở tuyến mang tai để tránh tình trạng nhiễm trùng.
Quai bị là bệnh do virus gây nên và rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin”, bác sĩ Dũng cho hay

Phân biệt bệnh quai bị và viêm tuyến nước bọt

[IMG]


Cùng với sự gia tăng các bệnh đường hô hấptiêu chảy ở trẻ em trong mùa nắng nóng, bệnh quai bị cũng đã bắt đầu xuất hiện. Mặc dù là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng dễ để lại di chứng nặng nề như vô sinh. Ngoài ra, bệnh cũng dễ nhầm với một số bệnh lý khác tại tuyến nước bọt. Bạn đọc cần có kiến thức về hai loại bệnh này.
Quai bị và viêm tuyến nước bọt là 2 bệnh có triệu chứng biểu hiện ở tuyến nước bọt, hay gặp nhất là ở tuyến nước bọt mang tai. Do 2 bệnh có triệu chứng ở tuyến nước bọt mang tai gần giống nhau, nhưng hậu quả của 2 bệnh gây ra rất khác nhau: bệnh quai bị có thể gây vô sinh, viêm tuyến nước bọt đơn thuần có thể gây biến dạng khuôn mặt. Vì vậy cần phân biệt rõ bệnh quai bị và viêm tuyến nước bọt đơn thuần để có hướng xử trí đúng.

Bệnh quai bị do virut quai bị thuộc nhóm Paramyxo virut gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, qua các bụi nước của hơi thở, truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Bệnh phổ biến ở nhiều nơi, có khi bùng lên thành dịch ở những nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học).
Biểu hiện khi bị quai bị: Bệnh nhân sốt 38 -39oC, đau đầu, chán ăn, khó nuốt, khó nói, đau nhức các khớp xương, thăm khám thấy miệng ống Stenon phù nề, tấy đỏ nhưng không bao giờ có mủ chảy ra. Vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, lan ra vùng trước tai, mỏm chũm, lan xuống dưới hàm. Da vùng sưng có màu sắc bình thường, không nóng đỏ và có tính đàn hồi. Thường sưng cả 2 bên tuyến nước bọt mang tai, có khi chỉ sưng 1 bên, sưng 2 bên so với sưng 1 bên là tỷ lệ 6/1. Song song với các tổn thương ở tuyến nước bọt, virut quai bị còn làm tổn thương ở ngoài tuyến nước bọt gây viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não,viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác như tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng. Các tổn thương này thường có các triệu chứng không điển hình, diễn biến lành tính.
Bệnh quai bị có thể để lại biến chứng gì?

- Viêm tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi dậy thì, hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 40 tuổi, xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1 – 2 tuần. Bệnh nhân đau tinh hoàn sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 – 4 lần bình thường. Thường thì sưng 1 bên, cũng có thể sưng 2 bên, sau 2 tuần mới hết sưng. Sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30 – 40%. Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.
Viêm buồng trứng: Chiếm 7% các trường hợp mắc bệnh ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi vô sinh). Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ có thai 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai, sảy thai. Nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.
Điều trị quai bị như thế nào?

- Điều trị: Bệnh quai bị đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dùng kháng sinh không có tác dụng mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Chườm nóng, dùng thuốc an thần, giảm đau, vitamin, có thể dùng chống viêm corticoid, súc miệng nước muối thường xuyên sau khi ăn. Những ngày đầu nên ăn nhẹ, ăn lỏng.
Có thể kết hợp dùng các bài thuốc Đông y: Dùng hạt gấc mài ngâm rượu rồi xoa vào chỗ sưng, hay dùng hạt đậu xanh tán nhỏ trộn với dấm rồi đắp lên chỗ sưng.
Cách ly bệnh nhân tối thiểu 2 tuần. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, nằm yên, hạn chế đi lại, nhất là đối với thanh niên hay đang trong thời gian sốt và sưng tuyến nước bọt (4 – 6 ngày đầu).
- Phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccin: Tạo miễn dịch chủ động: tiêm vaccin virut sống giảm độc lực an toàn, tạo kháng thể, cho miễn dịch ít nhất 17 năm. Đối tượng tiêm là trẻ em trên 1 tuổi, đặc biệt ở tuổi dậy thì, trưởng thành, thanh thiếu niên sống trong tập thể. Tái tiêm chủng ở người đã tiêm vaccin quai bị dùng virut chết.
Tạo miễn dịch thụ động: Dự phòng đặc hiệu bằng gamaglobulin miễn dịch chống quai bị, dùng sớm cho phụ nữ có thai và cho người cần phải tiếp xúc với bệnh nhân quai bị.
Viêm tuyến nước bọt đơn thuần

Bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai đơn thuần do các loại vi khuẩn Staphylococcus aureus, do virus Iryfluenza, Parainfluenza, coxsackie… gây nên hoặc do sỏi làm tắc ống dẫn tuyến nước bọt cũng gây viêm. Bệnh thường chỉ tổn thương tại tuyến nước bọt, diễn biến lành tính, tự khỏi hoặc cũng có trường hợp chuyển sang viêm mạn tính phì đại tuyến.
Biểu hiện: Bệnh nhân thấy vùng tuyến nước bọt mang tai sưng to, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến, da vùng tuyến sưng tấy đỏ đau, nói và nuốt đau, có hạch viêm phản ứng ở góc hàm hoặc sau tai cùng bên. Sốt 38 – 39oC, ấn vùng tuyến mang tai thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon.
Đối với bệnh nhân bị bệnh viêm tuyến nước bọt đơn thuần thường không thấy có tổn thương ngoài tuyến nước bọt. Bệnh có tính chất đơn lẻ, cơ hội, thường xuất hiện khi có viêm nhiễm khác ở vùng miệng và mũi họng, không lây thành dịch.
- Điều trị viêm tuyến nước bọt: Dùng kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề, giảm đau. Khi tiêm trực tiếp kháng sinh và corticoid vào tuyến nước bọt, qua đường ống Stenon thấy kết quả tốt, vùng tuyến giảm sưng nhanh, ít tái phát, nếu viêm tuyến lần đầu theo dõi thấy không tái phát. Nếu để muộn, điều trị không kịp thời sau 7 – 10 ngày, bệnh giảm các triệu chứng và chuyển sang viêm mạn tính tái phát sau 1 vài tháng 1 lần viêm lại. Ở những bệnh nhân viêm tuyến tái phát nhiều lần làm vùng tuyến mang tai 2 bên phì đại (to hơn bình thường) không nhỏ lại được, vì thế làm biến dạng khuôn mặt bệnh nhân.
BSCKI. Hồ Thị Thương Hương (Khoa RHM – Bệnh viện Hòe Nhai)

Phòng ngừa bệnh quai bị

Hỏi: Con tôi 9 tuổi, mấy ngày nay cháu bị sốt, không muốn ăn uống, bên mang tai sưng to, đau. Có phải cháu bị quai bị, bệnh này có bị lây không, phòng tránh như thế nào, thưa bác sĩ?
Trả lời: Quai bị là một bệnh nhiễm cấp tính do Paramyxovirus gây nên, làm viêm các tuyến nước bọt mang tai. Ai cũng dễ mắc quai bị nhưng hay gặp nhất là lứa tuổi từ 10 -19 tuổi và nam dễ gặp hơn nữ.
Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn vào khi bệnh nhân nói, hắt hơi, ho. Biểu hiện của bệnh là người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh quai bị có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn và mào tinh, viêm buồng trứng, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến mang tai…
Phụ nữ có thai mà mắc quai bị trong 3 tháng đầu, con rất dễ bị dị dạng. Phòng bệnh quai bị tốt nhất là chủ động tiêm phòng vaccin và nên tư vấn bác sĩ trước khi tiêm phòng. Khi người nhà đã mắc quai bị nên cách ly đến khi khỏi hẳn để tránh lây lan.
ThS. Hà Hùng

Những biến chứng thường gặp của bệnh quai bị ở trẻ

Hỏi: Tôi nghe nói vào mùa lạnh trẻ em thường hay bị bệnh quai bị. Và bệnh này thường gây nhiều biến chứng cho trẻ. Vậy xin bác sĩ cho biết làm cách nào để phòng tránh và điều trị cho trẻ.
Trả lời: Bệnh do virút có tên khoa học là Paramyxovirút gây nên, bệnh chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 – 10 tuổi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, đặc biệt là là thời gian giáp Tết. Bệnh xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh có thể lây cho người tiếp xúc ở một tuần trước khi tuyến mang tai sưng và kéo dài 2 tuần sau khi thấy sưng tuyến mang tai.
Về triệu chứng, sau thời gian ủ bệnh từ 15 – 21 ngày, virút phát triển ở niêm mạc miệng, sau đó xâm nhập vào máu gây viêm các cơ quan. Viêm tuyến mang tai là thể điển hình nhất. Trẻ sốt 38 – 39oC, nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém. Viêm và sưng tuyến mang tai, da căng phồng lên, không đỏ, đau, miệng khô và khó nuốt. Thường 4 – 5 ngày sau thì hết sốt, sưng đau giảm dần và khỏi.
Bệnh quai bị ở người lớn thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể có các biến chứng sau viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn, biến chứng này thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai thì xuất hiện tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thừng, tình trạng viêm và sốt có thể kéo dài, có khoảng 1/3 trường hợp dẫn đến teo tinh hoàn và có thể dẫn đến tình trạng vô sinh sau này. Viêm buồng trứng ở bé gái thường gặp ở tuổi dậy thì, ít để lại di chứng vô sinh. Biến chứng viêm tụy là một biểu hiện nặng của quai bị, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, ói, có khi tụt huyết áp.
Về điều trị, hiện nay quai bị chưa có thuốc đặc trị, mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng đỡ cơ thể. Nằm nghỉ tuyệt khi có sưng tinh hoàn. Cần cách ly bệnh nhân ít nhất 10 – 15 ngày từ khi phát hiện bệnh. Vệ sinh răng miệng, ăn lỏng, giảm đau và hạ sốt bằng paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn, cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau và dùng corticoid liều cao ngay từ đầu, thường dùng prednisolon 60mg/ngày, sau đó giảm dần trong 7 – 10 ngày.
Về phòng bệnh, điều trước tiên là người bệnh phải được cách ly tại nhà, không đi học, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang. Thời gian cách ly người bệnh trong khoảng 10 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai. Ngày nay thường được tiêm phòng để tạo miễn dịch chủ động như dùngvắc-xin Trimovax hay MMR, vắc-xin không nên tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, tuy nhiên nếu trẻ sống trong môi trường dịch bệnh, có thể tiêm ngừa từ 9 tháng tuổi. Không tiêm cho phụ nữ có thai, người bị dị ứng với vắc-xin, người đang dùng thuốc gây giảm miễn dịch như: corticoid, thuốc điều trị ung thư, người đang điều trị với tia phóng xạ…
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Dấu hiệu của thủy đậuRubellaquai bị

Hỏi: Xin cho em biết dấu hiệu chi tiết về bệnh thủy đậu, rubella và quai bị, sự khác và giống nhau giữa những bệnh trên. Em xin cảm ơn
Trả lời: Nhìn chung 3 bệnh này cũng không khó nhận biết.
Thủy đậu: triệu chứng chính là nổi bóng nước, thường xuất hiện rất nhanh và nổi toàn thân. Trẻ nhỏ thường ít kèm theo sốt, trong khi trẻ trên 7 tuổi và người lớn thường kèm theo sốt cao, mệt mỏi, biếng ăn. Các nốt bóng nước này thường nổi từng đợt, xen kẽ bóng nước cũ và bóng nước mới. Nếu triệu chứng như trên thì gần như là bệnh thủy đậu, đặc biệt là xung quanh, trong trường học có người bệnh tương tự.
Rubella: thường nổi ban (những chấm đỏ) rải rác toàn thân, xuất hiện rất nhanh, đôi khi chỉ vài giờ đã nổi khắp người. Cũng tương tự thủy đậu, trẻ trên 7 tuổi và người lớn, đặc biệt là phụ nữ thường kèm theo mệt mỏi, đau khớp. Đa số các trường hợp sẽ xuất hiện những hạt nhỏ, sau tai và dọc phần sau của cổ. Nếu triệu chứng nổi ban như trên, nguyên nhân chủ yếu do rubella, các bệnh khác rất hiếm có những triệu chứng như thế.
Quai bịtriệu chứng chính là sưng vùng tuyến mang tai hai bên, có thể kèm theo đau nhức, khó nhai. Vùng sưng này không đỏ, nếu đỏ hoặc lan rộng thì nên nghĩ tới bệnh khác như: viêm tuyến mang tai do vi trùng, viêm hạch vùng mang tai. Để xác định rõ, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Chích ngừa sởiquai bịrubella cho trẻ rất quan trọng

Hỏi:Con trai tôi được 17 tháng, nặng 10,6 kg. cháu chưa đi nhà trẻ nên ít bị bệnh vặt như sổ mũi, ho. Tôi chưa cho cháu đi chích ngừa mũi 3 trong 1, sởi,quai bị, rubella. Tôi có thể bỏ mũi chích này được không? Nếu không thì thời điểm này cháu đang mọc răng có chích được không? Mỗi khi đi tiêm về cháu hay quấy khóc, biếng ăn rồi sút cân, tôi phải làm sao để cải thiện tình hình này? Chích ngừa sởi xong thì tháng sau có chích luôn được thủy đậu?
[IMG]
Trả lời: Chích ngừa vacxin 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) không nên bỏ vì đây là 3 bệnh rất dễ mắc phải, nhất là khi vào mùa bệnh và khi em bé tiếp xúc với môi trường đông người (nhà trẻ, mẫu giáo…). Chị có thể chích cho bé khi bé không còn nóng sốt, nhưng đừng bỏ quên. Chích ngừa không gây biếng ăn cho trẻ vì thuốc ngừa trước khi đưa ra thị trường đã có sự nghiên cứu về độ an toàn cho trẻ. Sau chích ngừa, trẻ hơi quấy khóc là điều tốt, vì lúc này cơ thể trẻ chuẩn bị sản xuất ra kháng thể chống lại bệnh. Kháng thể này sẽ duy trì trong tương lai, khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ không mắc bệnh. Sau khi chích ngừa 3 trong 1, nếu muốn chích thêm thủy đậu thì chị phải chờ một tháng.

Bệnh quai bị

Quai bị (tiếng Anh: Mumps) dân gian còn gọi là bệnh chàm bàm là một bệnh toàn thân biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai.
Khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm bệnh không gây nên các triệu chứng sưng tuyến nước bọt rõ ràng trên lâm sàng. Trên 50% bệnh nhân mắc bệnh quai bị có hiện tượng tăng bạch cầu trong dịch não tủy. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não rõ với các triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ…
[IMG]
Viêm tinh hoàn (orchitis) là một biến chứng khá thường gặp sau tuổi dậy thì nhưng biến chứng vô sinh thì không thường gặp như nhiều người vẫn lo ngại. Các biến chứng khác hiếm gặp hơn gồm viêm khớp, viêm tuyến giáp, viêm khớp xương hàm, viêm cầu thận, (glomerulonephritis), viêm cơ tim, xơ hóa nội tâm mạc, giảm tiểu cầu, thất điều tiểu não, viêm tủy cắt ngang, viêm đa dây thần kinh lan lên, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng (oophoritis), và giảm thính lực.
Nguyên nhân

Quai bị gây nên do một loại virus ARN thuộc Rubulavirus trong họ Paramyxoviridae. Các nguyên nhân khác gây viêm tuyếm mang tai gồm virus vùi hạt cự bào (cytomegalovirus-CMV), virus á cúm type 1 và 3, virus cúm A (influenza A virus), coxsackievirus, virus ruột (enterovirus), virus gây suy giảm miễn dịch ở người (Human Immunodeficiency Virus-HIV), tụ cầu khuẩn, và các Mycobacterium không gây lao khác. Các nguyên nhân gây viêm tuyến mang tai hiếm gặp khác có thể kể: do ăn nhiều tinh bột, phản ứng thuốc (phenylbutazone, thiouracil, các thuốc chứa iốt) và các rối loạn chuyển hóa (như bệnh đái tháo đường, xơ gan và suy dinh dưỡng).
Dịch tễ học

Trước đây, các vụ dịch thường xảy ra từ tháng Giêng đến tháng Năm ở các vùng khí hậu ôn đới, tuy nhiên ngày nay biểu hiện theo mùa không còn rõ ràng nữa, nghĩa là bệnh có thể xảy ra quanh năm. Tại Hoa Kì, sau khi vaccine ngừa quai bị được sử dụng, hằng năm có khoảng 500 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận. Tại Việt nam, vaccine ngừa quai bị chưa được đưa vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên bệnh còn lưu hành khá cao, thường gây nên những vụ dịch nhỏ ví dụ như trong nhà trẻ, trường học, nhất là các trường nội trú, bán trú.
Bệnh thường thấy ở lứa tuổi từ 5 đến 14 tuổi. Ở trẻ được chủng ngừa quai bị thì hiện tượng viêm tuyến mang tai không phải do quai bị mà do các nguyên nhân khác nêu trên. Cũng giống như vaccine ngừa bệnh sởi, một liều vaccine duy nhất không phải luôn luôn đảm bảo được tình trạng miễn dịch thỏa đáng cho trẻ. Thời kì lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi có sưng tuyến mang tai và 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng này. Virus quai bị có thể phân lập được tù tuyến mang tai từ 7 ngày trước và kéo dài đến ngày thứ 9 sau khi tuyến mang tai bắt đầu sưng.
Thời kì ủ bệnh thường kéo dài từ 16 đến 18 ngày nhưng cũng có khi thay đổi từ 12 đến 25 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây.
Chẩn đoán
Có thể phân lập virus quai bị bằng phương pháp nuôi cấy tế bào từ các bệnh phẩm phết họng, nước tiểu, dịch não tủy hặc có thể xét nghiệm xác định sự gia tăng nhanh chóng hiệu giá kháng thể IgG khi so sánh hai thời điểm mắc bệnh cấp và giai đoạn hồi phục bệnh. Xét nghiệm này có thể thực hiện bằng các kĩ thuật huyết thanh học tiêu chuẩn như cố định bổ thể (complement fixation), phản ứng trung hòa (neutralisation), ức chế ngưng kết hồng cầu (hemagglutination inhibition test), miễn dịch enzyme (enzyme immunoassay) hoặc xét nghiệm định lượng kháng thể IgM quai bị (mumps IgM antibody test). (Nhiễm trùng cũ có thể xác định bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ enzyme hay phản ứng trung hòa còn kỹ thuật cố định bổ thể và ức chế ngưng kết hồng cầu không phù hợp trong trường hợp này). Test da (skin test) cũng không đáng tin cậy do đó không nên dùng test này để tìm hiểu tình trạng miễn dịch của trẻ.
Điều trị

Hiện nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Điều trị chủ yếu là nâng đỡ: tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não
Trường học và nhà trẻ

Trẻ bệnh phải nên cho nghỉ học đến 9 ngày sau khi có sưng tuyến mang tai. Khi có vụ bùng phát dịch xảy ra thì chính quyền địa phương, trung tâm phòng dịch và nhà trường sẽ có những biện pháp dập dịch tùy theo từng trường hợp và điều kiện. Biện pháp hữu hiệu nhất là đóng cửa trường học, tuy nhiên quyết định này không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng thực hiện.
Đối với những người tiếp xúc nguồn lây

Vaccine phòng ngừa quai bị thường không có hiệu quả sau khi đã tiếp xúc nguồn lây. Tuy nhiên vaccine này vẫn được khuyên dùng vì nó có khả năng bảo vệ trong những lần tiếp xúc sau đó. Tiêm ngừa trong thời kì ủ bệnh không hề làm tăng nguy cơ bệnh nặng. Globulin không có tác dụng và dó đó không còn được sản xuất hay cấp phép tại Hoa Kì.
Vaccine quai bị

Khuyến cáo sử dụng vaccine:

  • Chủng ngừa quai bị rất quan trọng ở những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị. Như trên đã nói, quai bị xảy ra ở người lớn thường có khuynh hướng nặng nề hơn.
Phản ứng phụ của vaccine:

Thường hiếm gặp. Một số trường hợp viêm tinh hoàn và viêm tuyến mang tai được ghi nhận sau chủng ngừa. Phản ứng dị ứng hiếm gặp (những người dị ứng với albumin trứng gà).
Những đối tượng không nên tiêm hoặc hoãn tiêm vaccine:

Vì vaccine ngừa quai bị chứa virus sống nên không khuyến cáo cho các trường hợp sau đây:
  • Suy giảm miễn dịch nặng như bệnh nhân AIDS tiến triển.
  • Bệnh ác tính toàn thân: Leucémie, lymphoma…
  • Bệnh nhân đang điều trị corticoid toàn thân liều cao, thuốc chống chuyển hóa, độc tế bào, xạ trị chống ung thư.
  • Phụ nữ mang thai và nghi ngờ mang thai không được tiêm vaccine quai bị.
  • Những phụ nữ được tiêm vaccine quai bị cần áp dụng biện pháp ngừa thai trong thời gian ít nhất là 28 ngày sau khi tiêm.