Sunday, March 10, 2013


Có cần nỗ lực để con “mũm mĩm”?


Nếu bạn làm một cuộc trắc nghiệm với các bà mẹ Việt Nam với chỉ duy nhất 1 câu hỏi: “Bạn thích bé gầy hay mập mạp?”, chắc chắn bạn sẽ nhận được kết quả là 99,9% bà mẹ trả lời rằng: “Đương nhiên, tôi thích con mập mạp”. Với các bà mẹ phương Tây, câu trả lời thường ngược lại. Tại sao lại như vậy?
Buổi chiều Chủ Nhật, khu sân chơi của một chung cư ở Q.7, TP. HCM, rộn rã tiếng trẻ con nô đùa. Ở một góc sân, hai bà mẹ của hai em bé, một mảnh mai, mộtmũm mĩm, đang nói chuyện với nhau:- Chị chăm sóc con giỏi thế? Nhìn cô bé chắc như cục bột mà em phát thèm. Chẳng bù cho con em. Gầy như que củi.– Người mẹ có em bé mảnh mai nói.Với nét mặt hào hứng vì được khen, người mẹ kia đáp:
- Để cu cậu mũm mĩm, chị gian nan lắm đấy. Chị phải ép con ăn suốt ngày, ăn đủ thứ. Nhìn con thế này ai cũng thích, mình cũng vui lòng.
Người mẹ có con mảnh mai lắng nghe một cách chăm chú. Trời sắp tối, họ chia tay nhau với lời hứa hẹn: “Tối mai em sang, chị truyền kinh nghiệm nuôi con cho nhé”.
[IMG]
Hãy cho bé ăn uống đầy đủ, khoa học chứ đừng ép con ăn vô tội vạ.

Chẳng biết từ bao giờ, các bà mẹ Việt Nam lại thích con mũm mĩm đến thế?
Suy cho cùng, sự khác nhau về sở thích “mình hạc xương mai” hay mũm mĩm phụ thuộc vào quan niệm về cái đẹp của từng đất nước và từng người.
Ở các nước phương Tây, nền công nghiệp phát triển và thói quen sử dụng các thức ăn đã khiến tình trạng béo phì gia tăng. Kéo theo điều đó, sức khỏe, khả năng làm việc, hoạt động và cơ hội của người béo phì cũng hạn chế. Thực tế trên khiến hầu hết các bậc cha mẹ lo sợ nên họ không thích vẻ đẹp mũm mĩm và cho rằng mảnh mai mới là vẻ đẹp đáng mơ ước.
Ở Việt Nam, hầu hết các bà mẹ đều thích con mũm mĩm. Sự khác nhau này có nguyên nhân sâu xa từ cuộc sống khó khăn của nhiều gia đình trước đó. Sự thiếu thốn đã khiến tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tăng cao, đặc biệt là trẻ em ở nông thôn. Năm 2009, theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡngthể thấp còi và thiếu vi chất ở trẻ em Việt Nam vẫn còn khá cao.
Khi nền kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình không còn lo lắng về bữa cơm hàng ngày, nhưng ám ảnh đó vẫn đeo bám các bậc cha mẹ. Cho nên mối quan tâm lớn nhất của họ là tập trung vào bữa ăn cho con càng nhiều càng tốt để tránh tình trạng con bị suy dinh dưỡng.
Mặt khác, trong nếp nghĩ của không ít người, mảnh mai đồng nghĩa với yếu ớt, bệnh tật, kém thông minh. Một số người khác lại quan niệm mảnh mai là nghèo khó và nuôi con vụng. Để chứng minh con khỏe, thông minh và được chăm sóc tốt nhất, họ đã ra sức vỗ béo cho con.
Ở phương Tây, người ta thể hiện tình thương yêu với con bằng cách tạo cơ hội cho con phát huy tính tự do, độc lập, vận động ngay từ khi còn nhỏ.
Ngược lại, hầu hết người Việt Nam thương con theo kiểu bao bọc, chăm sóc con từng ly từng tý, chiều chuộng, dành mọi điều kiện tốt nhất cho con, bắt đầu từ những món ăn ngon nhất trong mâm cơm gia đình.
Từ những suy nghĩ đó, kèm theo sự hiểu biết còn hạn chế về chế độ dinh dưỡng, nhiều bậc phụ huynh liên tục nạp năng lượng cho bé quá mức cần thiết.
Các bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo, tình trạng vỗ béo cho con bằng cách áp dụng thực đơn dinh dưỡng thiếu khoa học sẽ sớm đẩy bé đến tình trạng thừa cân, béo phì, một vấn đề nguy hiểm và khó điều trị hơn cả suy dinh dưỡng. Nếu lâm vào tình trạng này, bé không những mặc cảm, mất tự tin về ngoại hình mà còn có nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, tiểu đường, huyết áp…
Một số nghiên cứu còn cho thấy, béo phì có thể là nguyên nhân khiến bé dậy thì sớm.
Muốn bé khỏe mạnh, các bậc cha mẹ nên thay đổi nếp nghĩ và cách chăm sóc con của mình để không lặp lại tình trạng béo phì mà nhiều nước phương Tây đang lo sợ mỗi ngày. Hãy cho bé ăn uống đầy đủ, khoa học chứ đừng ép con ăn vô tội vạ.

0 comments :

Post a Comment