Sunday, March 31, 2013


Thời tiết lạnh, trẻ dễ mắc bệnh gì?

Những bệnh lý thuộc cả đường hô hấp trên và hô hấp dưới đều dễ phát sinh ở trẻ em khi thời tiết lạnh do sức đề kháng của trẻ còn yếu và cũng bởi đây là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ biết cách giữ ấm, chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ và có những quan tâm cần thiết đến bệnh mạn tính mà trẻ mắc sẽ giúp trẻ có được sức khỏe tốt trong điều kiện thời tiết thay đổi.
[IMG]

Bệnh viêm họng là một bệnh rất dễ gặp. Trẻ thường kêu đau họng khi uống nước, khi nuốt thức ăn. Kèm theo đau họng là sốt. Sốt trong viêm họng ở trẻ có thể sốt nhẹ khoảng từ 37,5-380C, tuy vậy cũng có trường hợp trẻ sốt cao hơn. Kèm theo sốt trẻ có thể bị ho. Đây là dạng viêm họng cấp tính. Một số trẻ lớn hơn (khoảng 5 tuổi trở lên) thường có viêm họng kèm theo viêm amidan. Amidan là một tổ chức lymphô, bình thường amidan được ví như như đội quân bảo vệ đường hô hấp trên nhưng khi bản thân nó bị bệnh, đặc biệt là viêm nhiễm lúc chuyển mùa từ nóng sang lạnh thì thường viêm cấp tính có sốt cao có khi thân nhiệt lên tới 39 hoặc 400C, nuốt vướng, trẻ biếng ăn, mệt mỏi. Ở trẻ bé hơn thường dưới 5 tuổi (nhiều nhất là lứa tuổi từ 2-3) khi thời tiết chuyển mùa, trẻ có thể bị viêm VA. Khi bị viêm VA, trẻ sốt từ 38 – 390C (đôi khi sốt cao hơn), chảy nước mũi. Những ngày đầu nước mũi còn trong, nhầy, càng về những ngày sau nước mũi đặc hơn (chính là mủ) có màu vàng hoặc trắng đục (nếu do vi khuẩn tụ cầu hoặc do vi khuẩn H.influenzae, S. pneumoniae) hoặc màu xanh (nếu VA bị viêm bởi trực khuẩn mủ xanh thì nước mũi thường có màu xanh cho nên người ta thường gọi là thò lò mũi xanh). Trẻ bị viêm VA thường bị nghẹt mũi, lúc ngủ thường thở bằng mồm cho nên có thể để lại hậu quả về sau là bị răng vẩu (nếu không điều trị). Khi trẻ bị viêm VA, ngoài các triệu chứng kể trên, trẻ cũng bị ho, mệt mỏi, ít chịu chơi và hay quấy khóc. Thay đổi thời tiết cũng làm cho trẻ có thể bị viêm mũi cấp tính gây tắc, nghẹt mũi cho nên trẻ hay quấy khóc nhất là ban đêm. Bệnh đường hô hấp trên (như viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm amidan…) trẻ bị mắc khi thời tiết thay đổi ít khi đơn thuần mà thường có sự kết hợp và liên quan mật thiết với nhau, để phân biệt một cách chính xác không đơn giản chút nào.

Thời tiết thay đổi cũng có thể làm cho trẻ viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phế quản – phổi, viêm phổi. Bệnh thuộc đường hô hấp dưới xuất hiện có liên quan khá chặt chẽ với các bệnh của đường hô hấp trên khi không được chẩn đoán sớm và điều trị dứt điểm thì mầm bệnh sẽ lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm nhiễm. Viêm đường hô hấp dưới ở trẻ khi thời tiết chuyển mùa cũng rất hay gặp, bệnh thường nặng hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều so với các bệnh ở đường hô hấp trên. Trẻ thường sốt cao, khó thở nếu không cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Ví dụ như sốt cao gây co giật, khó thở làm cho trẻ suy hô hấp…Thời tiết chuyển mùa còn có thể làm cho trẻ bị hen suyễn tái phát (viêm phế quản co thắt) hoặc xuất hiện bệnh mới đặc biệt ở các trẻ sẵn có cơ địa dị ứng. Viêm phế quản co thắt là một bệnh không được xem thường. Đây cũng là một trong những bệnh cấp cứu ở trẻ. Trẻ có thể bị ho, sốt nhẹ (có khi sốt cao nếu kèm theo viêm phế quản), khó thở làm co kéo lồng ngực, môi tím, cánh mũi phập phồng. Ở trẻ còn bú mẹ thường phải nhè vú mẹ liên tục để thở, trẻ luôn mệt mỏi, chán ăn, kém chơi hay quấy khóc về ban đêm. Một số bệnh thuộc dạng dị ứng ở trẻ cũng thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa nhưbệnh chàm (exsema) nhất là trẻ dưới 3 – 4 tuổi. Trẻ thường xuất hiện đỏ ứng 2 gò má, cằm (người ta gọi là hình cánh bướm), kèm theo là ngứa. Do ngứa nên trẻ gãi nhiều làm chảy máu và gây nhiễm khuẩn mưng mủ. Bệnh chàm ở trẻ cũng làm cho trẻ rất khó chịu cho nên hay quấy khóc. Khi thời tiết chuyển mùa trẻ cũng có thể bị rối loạn tiêu hoá, trong đó bệnh tiêu chảy cũng rất cần được lưu ý.
Để phòng bệnh cho trẻ lúc chuyển mùa, nhất là phòng các bệnh thuộc đường hô hấp, quan trọng nhất là cần phòng nhiễm lạnh cho trẻ. Cần tắm cho trẻ bằng nước ấm và trong buồng kín gió, tắm xong cần lau thật khô từ đầu đến chân cho trẻ. Lau xong nên mặc quần áo ngay. Mỗi khi ra ngoài (đi học hoặc đi chơi) cần mặc ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm cổ, cần có bít tất, khẩu trang, găng tay, mũ ấm. Mỗi lần trẻ uống nước, uống sữa cần cho trẻ uống ấm, không nên cho trẻ uống nước, sữa lạnh. Lúc trẻ ngủ cần chú ý đắp chăn cho trẻ vì trẻ thường đạp tung chăn, nếu trời lạnh mà trẻ không đắp chăn thì sẽ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp. Khi trẻ sốt, ho hoặc có kèm theo khó thở thì cần cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt (có thể khám ở chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai, mũi, họng) để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị ngay từ đầu, không nên để bệnh quá muộn mới đưa trẻ đi khám. Cần chú ý một số thức ăn có thể làm tăng bệnh hen suyễn hay dị ứng cho trẻ.
PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

0 comments :

Post a Comment