Saturday, March 16, 2013


Trẻ em và hiện tượng cận thị giả

Thấy con mình than nhìn không rõ, người mẹ đưa con đi khám mắt, kết quả là bị cận thị và phải đeo kính cận. Thời gian ngắn sau, con lại than không nhìn rõ và mỏi mắt, người mẹ đưa đi khám lại và kết quả là con không hề bị cận thị. Đó chính là hiện tượng cận thị giả.
[IMG]
Thạc sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, những trường hợp bị cận thị giả không phải là hiếm gặp. Ước tính tỷ lệ cận thị giả ở trẻ khoảng 20%.
Một số trẻ cho biết mắt nhìn kém hẳn sau đợt thi cử, có em lại thấy mỏi, nhức mắt khi học nhiều, đeo thử kính cận của người khác thấy sáng hơn. Vì thế, cha mẹ nghĩ con đã bị cận thị, nhưng thực sự trẻ chỉ bị một hiện tượng gọi là cận thị giả.
“Đây không phải là bệnh lý cố hữu, mà chỉ là những rối loạn thoáng qua rất giống bệnh. Trẻ có thể nhìn xa không rõ, nhưng không phải bị cận thị. Nếu cha mẹ đưa con đi khám đúng lúc này thì trẻ có thể bị đeo kính cận oan”, Thạc sĩ Cương nói.
Cũng theo thạc sĩ, nguyên nhân của hiện tượng này có thể do mệt mỏi thị giác hay khó chịu nhất thời của mắt. Trên thực nghiệm những người tham gia tình nguyện, kết quả cho thấy, khi bắt họ nhìn gần liên tục trong 7 giờ thì có khoảng 60% bị cận thị ít nhất là 0,5 điốp. Thị lực có thể cải thiện nhất thời nếu đeo kính cận.
Với các bác sĩ chuyên khoa mắt, việc phân biệt cận thị thực sự hay cận thị giả không quá khó. Chỉ cần nhỏ thuốc liệt điều tiết, nếu mắt trở lại bình thường thì là cận thị giả.
“Cũng vì thế, khi đo kính cho trẻ cận, loạn thị việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc. Thế nhưng hiện nay nhiều cửa hàng kính thuốc bỏ qua công đoạn này mà chỉ đo mắt, thấy cận là cho trẻ đeo kính cận. Điều này rất nguy hiểm vì trẻ có thể không bị cận thị nhưng đeo kính nhiều lại thành cận thị”, thạc sĩ Cương khuyến cáo.
Khi được xác định là cận thị giả, chỉ cần để cho mắt nghỉ ngơi khoa học, sau một thời gian mắt sẽ tự điều tiết lại như bình thường. Tuy nhiên, nếu không được thì sẽ phải dùng kính mắt chuyên dụng. Bác sĩ sẽ quyết định khi nào ngừng đeo kính.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là không phải ai bị cận thị cũng cần đeo kính. Người cận dưới 0,75 điốp thì không cần phải đeo kính, nếu dưới 2,5 điốp có thể bỏ kính khi đọc gần. Đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, nếu cận dưới 0,75 điốp thì bác sĩ thường không chỉ định đeo kính mà hướng dẫn trẻ cách tập luyện, nghỉ ngơi cho mắt để mắt tự điều tiết trở về bình thường, Thạc sĩ Cương cho biết.
Khi mắt bị mỏi hoặc cứ sau làm việc bằng mắt một giờ, mọi người nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút. Khi đó bạn có thể nhắm mắt, nhìn ra xa hoặc massage xung quanh mắt.

0 comments :

Post a Comment