Wednesday, March 27, 2013


Viêm amidan và cách xử trí cho trẻ

Amidan là một tổ chức limphô nằm trong vòm họng, nó có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh tật trong những năm đầu đời. Khi trẻ lớn dần, tổ chức này rất hay bị viêm hoặc quá phát gây hội chứng amidan quá to gây ra hô hấp khó khăn, thậm chí có thể gây hội chứng ngừng thở khi ngủ.
[IMG]
Không nên vội vàng cắt bỏ amidan của trẻ
Các dấu hiệu của viêm amidan

Các dấu hiệu về amidan quá phát có thể nhận biết từ rất sớm do ảnh hưởng đến chức năng thở của trẻ. Nếu thấy trẻ ngủ mà ngáy thì cần cho trẻ đi khám amidan, vì nếu để kéo dài sẽ có nguy cơ bị các cơn ngừng thở khi ngủ. Cần phải đặc biệt lưu ý nếu trẻ ngủ ngáy to, thở bằng mồm mãn tính, hay thức giấc trong đêm, mệt mỏi, đái dầm, học lực kém… Amidan quá phát cũng gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành giọng nói, hoặc cách phát âm của trẻ. Nếu trẻ phát âm như giọng mũi, hoặc khó khăn khi phát âm cần phải khám amidan ngay.
Amidan quá to có thể làm trẻ nuốt vướng, khó ăn, ăn uống chậm chạp hàng giờ mới xong bữa cơm. Thậm chí, viêm amidan cũng gây ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai dẫn đến bị điếc. Trẻ bị quá phát amidan thường có hơi thở hôi, ho về đêm, ho khan kéo dài. Trẻ luôn có cảm giác khó chịu, rát họng hoặc cảm giác vướng mắc như có dị vật ở họng hoặc nhói đau khi nuốt. Trẻ thường tái diễn các đợt viêm nhiễm cấp amidan nhiều lần trong năm. Khi đó, cần đưa trẻ đến các bệnh viện để khám thực thể và làm các xét nghiệm cần thiết. Các thầy thuốc sẽ có chỉ định cần thiết để điều trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ amidan, nạo VA cho trẻ. Phẫu thuật cắt amidan phải được tiến hành ở các cơ sở y tế có thẩm quyền chuyên môn và đầy đủ phương tiện cấp cứu, vì dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân như: chảy máu, nhiễm trùng…
Nên cắt bỏ amidan khi nào?

Amidan có tác dụng bảo vệ cơ thể, nó có thể sinh ra kháng thể, tiêu diệt và phòng ngừa virút xâm hại vào cơ thể. Vì vậy trong trường hợp bình thường không được mù quáng cắt bỏ đi. Khi nào mất đi tác dụng bảo vệ đối với cơ thể mà làm hại cho cơ thể thì mới phải xem xét cắt bỏ đi. Cụ thể là trong các trường hợp sau mới phải cắt bỏ:
- Viêm amidan thường xuyên phát tác cấp tính, nhiều lần dùng thuốc điều trị mà không có hiệu quả, đã ảnh hưởng đến các tổ chức lân cận, như xung quanh tuyến amidan bị sưng mủ, viêm mũi, viêm lỗ mũi, viêm tai giữa
- Viêm amidan đã trở thành ổ bệnh, gây ra bệnh nghiêm trọng toàn thân, như viêm khớp cấp tính, sưng tuyến giáp, viêm thận cấp, chứng bại huyết…
- Những trẻ sốt nhẹ lâu dài không rõ nguyên nhân và hen suyễn, sốt xuất huyết và bệnh da chữa lâu dài không có hiệu quả.
- Amidan sưng to quá mức, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hô hấp, nuốt và nói chuyện, vì thế ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực của trẻ.
Tóm lại, amidan có cắt đi hay không thì phải dựa vào việc amidan có thực sự bị di chứng hay không, hoặc nghi là ổ bệnh, hoặc ảnh hưởng đến công năng sinh lý thì có thể xem xét để cắt bỏ. Nếu phẫu thuật có thể chảy nhiều máu, hoặc phẫu thuật làm cho bệnh tình xấu đi, ảnh hưởng đến sức khoẻ, hoặc điều kiện sức khoẻ của trẻ không cho phép thì không nên cắt bỏ.

0 comments :

Post a Comment