Monday, March 25, 2013


Trẻ em cũng có thể bị đau dạ dày
Điều này nghe thật lạ nhưng sự thật hiện nay số lượng bệnh nhi bị đau dạ dày đang có xu hướng tăng bởi những nguyên nhân không thể ngờ như: bị ép ăn, áp lực học hành…
Hiện nay, bệnh đau dạ dày không còn là bệnh hiếm gặp ở trẻ em.
Nhầm với đau bụng giun

Là người nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, BS. Bùi Thu Hương, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung ương cho biết: trẻ đau dạ dày không còn là hiện tượng hiếm gặp tại khoa, một số trẻ bị đau dạ dày có biểu hiện đau bụng âm ỉ trong vài tháng liền. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhi lại xuất hiện các cơn đau bụng đột ngột, đau quằn quại thậm chí nôn ra máu. Nhiều trẻ bị đi ngoài phân đen. Tuy nhiên, trẻ thường bị đau khắp bụng, trong khi người lớn bị bệnh dạ dày thường đau vùng thượng vị. Chính vì thế, cha mẹ thường bỏ qua bệnh đau dạ dày ở trẻ nhỏ.
[IMG]
Cháu Trần Vân Thanh,13 tuổi (ở Đô Lương, Nghệ An) là một ví dụ. Cháu thường xuyên bị đau bụng, mẹ cháu nghĩ con bị đau bụng giun nên mua thuốc tẩy giun về cho uống. Uống thuốc rồi, cơn đau bụng không những không khỏi mà còn đau bụng với tần suất nhiều, dữ dội và kéo dài hơn. Chỉ đến khi cháu nôn ra máu, gia đình mới vội đưa đến BV Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, BS kết luận cháu bị đau dạ dày đã biến chứng xuất huyết. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết, nhiều người cho rằng bệnh đau dạ dày chỉ xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên, hiện nay bệnh này đang có xu hướng tăng nhiều ở đối tượng trẻ em, chiếm tỷ lệ tương đối nhiều trong các bệnh tiêu hóa nói chung. Bệnh đau dạ dày phổ biến nhất ở nhóm trẻ trong độ tuổi từ 10-14. Tuy nhiên, khoa Nhi, BV Bạch Mai đã từng gặp trường hợp trẻ mới 4 tuổi đã bị đau dạ dày. Điều đáng lo ngại là cha mẹ thường lầm tưởng bệnh đau dạ dày ở trẻ với bệnh đau bụng do giun sán. Họ chỉ đưa trẻ đi khám tại BV khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, cơn đau dữ dội, kéo dài hoặc có biến chứng xuất huyết dạ dày.

Ép ăn, thủ phạm gây bệnh

PGS.TS Dũng giải thích, trẻ bị đau dạ dày do nhiễm khuẩn H.Pylori. Song chỉ có 30-50% trẻ mang vi khuẩn H.Pylori trở thành bệnh nhân đau dạ dày. Nhưng nếu trẻ bị sức ép do áp lực học hành hoặc bị cha mẹ ép ăn quá mức sẽ là nguyên nhân khiến bệnh phát tác. Đây chính là thủ phạm làm bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng ở trẻ em.
“Thậm chí, nhiều cha mẹ đọc sách hướng dẫn và áp dụng một cách máy móc cho chế độ ăn của con mình. Chẳng hạn, một ngày phải ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ, 2 lần ăn hoa quả, uống sinh tố và uống sữa. Lịch ăn của các cháu từ khi đi học về đến khi đi ngủ… kín mít. Chính vì thế, nhiều trẻ cứ đến bữa ăn là stress. Khi đó, trẻ có nguy cơ bị ợ, gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày”- TS Dũng lo ngại.
Con trai chị Hoa (Bạch Đằng, Hà Nội) là một trường hợp điển hình. Thời gian gần đây, cậu con trai 6 tuổi hay kêu đau bụng trước bữa ăn. Cho rằng con lấy cớ đau bụng… để trốn ăn, chị Hoa càng ra sức ép con ăn nhiều hơn. Cách đây mấy hôm, khi chị vừa đưa bát cơm với “chỉ thị” phải ăn hết (mặc dù cách đó khoảng 1giờ, cháu đã được mẹ “tẩm bổ” một cốc sữa và cái bánh ngọt), cu Tí bỗng ôm bụng vật vã. Chị càng bực mình nên quát con. Chỉ đến khi thấy cu Tí nôn ói, vã mồ hôi, mặt tái mét, chị sợ quá mới đưa con đi khám. Chị tá hỏa khi bác sĩ cho biết cu Tí bị đau dạ dày và chính sự ép ăn thái quá của cha mẹ là nguyên nhân khiến bệnh tiến triển nặng.
Trước sự gia tăng của căn bệnh này ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn hợp lý cho trẻ, không nên ép trẻ ăn bằng được mà cần khuyến khích để tạo cảm giác thèm ăn. Khi thấy trẻ bị đau bụng thường xuyên, cần đưa đến cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

0 comments :

Post a Comment