Friday, April 5, 2013


Ngày càng nhiều trẻ bị hen phế quản

Theo TS Đào Minh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi T.Ư – bệnh nhi hen phế quản chiếm khoảng gần 5% lượt các cháu đến BV khám do cácbệnh hô hấp chung. Cứ 10 bệnh nhi hen, lại có 1 cháu phải nhập viện vì các cơn hen phế quản nặng. Nếu có một biểu đồ về bệnh nhi hen thì có thể thấy rõ, hen phế quản trẻ em đang ngày càng gia tăng.
[IMG]
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai nhận định: Bệnh hen tăng theo tốc độ đô thị hóa. Sự đô thị hóa đã phá vỡ môi trường sống tự nhiên. Trên các ngôi nhà cao tầng, con người sử dụng nhiều hóa chất hơn, từ việc lau nhà đến sơn tường, đều có hóa chất. Không chỉ vậy, trong thức ăn cũng có các chất bảo quản. Tất cả những tác động đó đều góp phần tích tụ các yếu tố dẫn đến bị hen cao hơn.
Trước kia, bệnh nhân hen ở miền Bắc thường có suy nghĩ vào sống trong phía nam, TPHCM sẽ khỏi hen vì tránh được những cơn gió lùa của mùa đông bắc. Nhưng nay nếu làm thế, bệnh hen của họ có thể sẽ nặng hơn, vì các yếu tố nguy cơ dẫn đến hen ở đô thị còn cao hơn. Theo kết quả điều tra khoa học mới đây, khoảng 10 – 15% trẻ lứa tuổi 13 – 14 ở Hà Nội có biểu hiện khò khè – một trong những dấu hiệu bệnh hen. Trong khi đó, con số này ở trẻ cùng độ tuổi tại TPHCM lên tới 20%.
Bệnh hen ở trẻ dưới 12 tuổi còn gọi là hen sữa, khoảng 1/3 trường hợp sẽ tự khỏi 1/3 phải điều trị mới khỏi, và 1/3 điều trị cũng không khỏi. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của TS Nguyễn Tiến Dũng, nếu tuân thủ phác đồ điều trị – trong 1 năm đầu đến khám 3 tháng/lần, từ năm sau mỗi năm/lần nếu không có cơn hen nặng – thì tỉ lệ khỏi có thể lên tới 80%. Sau lứa tuổi 13, nếu trẻ vẫn còn bị hen thì có thể trở thành mạn tính.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta còn khoảng 65% bệnh nhân hen chưa được dự phòng dài hạn – nhằm phòng ngừa các cơn hen cấp tính, dẫn đến phải nhập viện. Với bệnh nhi hen, con số này cũng không được cải thiện hơn. Theo TS Dũng, những chú ý có thể tránh cho các cháu nguy cơ khỏi phát cơn hen trong sinh hoạt hàng ngày rất đơn giản và hiệu quả. Tránh tiếp xúc với khói bếp, khói thuốc lá, đặc biệt là khói hương thắp – đặc biệt ở những gia đình đặt bàn thờ gần giường ngủ của các cháu. Không để các cháu lau giá sách, tránh tiếp xúc với bụi, lông chó mèo, nấm mốc, côn trùng (gián). Không nên sử dụng xịt phòng, thậm chí khi tắm nên bật quạt thông gió để không khí lưu thông dễ dàng.
Hiện mỗi năm có khoảng 3- 4 nghìn người tử vong do căn bệnh này. Hiện nay đã có 20 BV đa khoa tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động các phòng tư vấn hen phế quản: Hà Nội và Hà Tây cũ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Bình Dương, Tiền Giang, Gia Lai.

0 comments :

Post a Comment