Saturday, April 13, 2013


Nhận biết bệnh lồng ruột ở trẻ còn bú


[IMG]
Hỏi: Con tôi 6 tháng tuổi vẫn còn bú mẹ và rất bụ bẫm, vừa qua mấy chị bạn đến thăm nói với tôi là phải chú ý đề phòng bệnh lồng ruột cho cháu. Tôi phải làm sao để đề phòng bệnh lồng ruột cho cháu, thưa bác sĩ? Xin bác sĩ cung cấp thêm một số thông tin về bệnh lồng ruột. Xin cám ơn.
Trả lời: Bệnh lồng ruột hay gặp ở trẻ còn bú. Bệnh xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng đoạn ruột khác kế cận nó, gây nghẹt và hoại tử ruột.
Bệnh rất cần phát hiện sớm và xử lý kịp thời mới cứu được trẻ. Triệu chứng của một ca lồng ruột thường là: trẻ bỏ bú, đột ngột ưỡn người, khóc thét, nôn vọt: nôn ra sữa, nước mật có thể có cả phân, giãy giụa, tím tái, đi ngoài ra máu, mũi (đàm, nhớt), bụng trướng căng. Các triệu chứng trên có thể đỡ dần rồi lại tái diễn. Trẻ mệt lả, ngủ thiếp đi. Khám thấy mạch nhanh, trẻ lờ đờ, có thể có biểu hiện sốc; sờ thấy khối lồng như đoạn dồi ở vùng bụng. Thăm trực tràng: rỗng, có máu mũi, hoặc máu tươi theo tay là rõ lồng ruột; nếu sờ thấy khối lồng là trường hợp lồng ruột đã để quá muộn. Cần chú ý khi phát hiện các triệu chứng trên đây phải khẩn trương đưa cháu đi khám ở bệnh viện để được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Về điều trị, có hai phương pháp hay dùng là bơm hơi tháo lồng  phẫu thuật tháo lồng đều phải thực hiện tại cơ sở có điều kiện phẫu thuật. Chúng ta cần chú ý rằng: bệnh lồng ruột vẫn có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn, nhưng thường diễn biến bán cấp hoặc mạn tính. Biểu hiện là đau dữ dội, đau tái đi tái lại nhiều lần ở ổ bụng nhất là vùng hố chậu phải; có khi nôn, ít gặp tắc ruột hay đi ngoài ra máu. Phải điều trị bằng phẫu thuật tháo lồng.
BS. Nguyễn Minh Hiền

0 comments :

Post a Comment